Không chỉ tiết kiệm 4.000 tỉ đồng, đây mới thật sự là nguồn lợi lớn của TP.HCM sau khi nắn tuyến đường Vành đai 4

Vành đai 4 đoạn qua địa bàn TP.HCM sẽ được điều chỉnh để tránh khu công nghiệp đã quy hoạch, đường hiện hữu, khu vực đông dân cư…giúp tiết kiệm 4.000 tỉ đồng chi phí đầu tư. Nhưng cái lợi lớn hơn là thành phố sẽ có thêm gần 600ha đất để mở ra các không gian đô thị, khu công nghiệp mới.

Hướng tuyến Vành đai 4 TP.HCM (Ảnh: Sở GTVT TP.HCM)

UBND TP.HCM vừa chấp thuận về mặt chủ trương điều chỉnh hướng tuyến đường vành đai 4 đoạn từ cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) thuộc dự án vành đai 4 TP.HCM.

Cụ thể, sẽ điều chỉnh hướng tuyến đoạn từ điểm đầu tuyến đến đoạn giao với Quốc lộ 22 (phạm vi dự án nằm ngoài ranh khu quy hoạch khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2); đoạn từ vị trí cách nút giao Vành đai 4 với Quốc lộ 22 khoảng 1,6 km đến cuối tuyến, hướng tuyến theo quy hoạch được duyệt. Tổng chiều dài tuyến khoảng 17,12 km.

Theo UBND TP.HCM, phương án điều chỉnh này sẽ tránh ảnh hưởng đến khu công nghiệp đã được quy hoạch, các tuyến đường hiện hữu, khu vực đông đúc dân cư…qua đó hạn chế hộ dân phải di dời, tiết giảm chi phí đầu tư 4.000 tỉ đồng so với quy hoạch trước đó.

Bên cạnh đó, hướng tuyến Vành đai 4 sau khi điều chỉnh giúp thành phố có thêm quỹ đất khoảng 590ha dọc tuyến. Đây là nguồn lực ngân sách đồng thời khai mở ra nhiều không gian phát triển khu công nghiệp, đô thị – dịch vụ…

Về kinh phí đầu tư sau khi điều chỉnh, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang nghiên cứu theo hai phương án:

Phương án đi bằng giai đoạn 1 có mức vốn khoảng 13.893 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 7.156 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 6.736 tỉ đồng.

Phương án đi trên cao giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 25.951 tỉ đồng. Bao gồm chi phí xây dựng là 19.540 tỉ đồng, mặt bằng 6.411 tỉ đồng.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài gần 200km, tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỉ đồng đi qua các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An. Đây là hạ tầng đóng vai trò quan trọng giúp kết nối giao thông, luân chuyển hàng hóa khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, những dự án lớn như Vành đai 3, Vành đai 3 cũng mở ra nhiều không gian để phát triển khu công nghiệp, đô thị. Qua đó hình thành, kết nối với các đô thị vệ tinh giúp kéo dẫn dân số khu vực trung tâm hiện đang quá tải.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/khong-chi-tiet-kiem-4000-ti-dong-day-moi-that-su-la-nguon-loi-lon-cua-tphcm-sau-khi-nan-tuyen-duong-vanh-dai-4-123305.html

 

Trả lời

0912 4444 18