Thủ tướng: Không bàn lùi dự án giao thông

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo chỉ bàn làm, không bàn lùi, vướng mắc đâu tháo gỡ đó để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Chủ trì Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình giao thông trọng điểm quốc gia chiều 10/8, Thủ tướng ghi nhận các chủ đầu tư, nhà thầu đã “vượt nắng, thắng mưa” thi công dự án. Hà Nội và TP HCM gặp khó nhưng đến nay đã cơ bản giải phóng mặt bằng dự án vành đai 4 vùng Thủ đô và vành đai 3 TP HCM.

“Điều quan trọng là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, Thủ tướng nói.

Với nguồn vật liệu đang khó khăn tại đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng cho biết tuần tới Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Về các dự án PPP, ngoài vốn đầu tư công, ngân hàng nghiên cứu ưu tiên cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư hạ tầng. Nguồn vốn cho các dự án cân đối linh hoạt, hài hòa, nếu vướng mắc thì phối hợp với các cơ quan Quốc hội giải quyết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, chiều 10/8. Ảnh: Nhật Bắc

“Địa phương phải xác định đầu tư hạ tầng là tạo không gian phát triển khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới”, Thủ tướng nói.

Liên quan đến chỉ định thầu, đấu thầu, đấu giá mỏ nguyên vật liệu, Thủ tướng yêu cầu làm công khai, minh bạch. Bộ Xây dựng linh hoạt trong vấn đề giá tùy theo thị trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ địa phương thủ tục đất đai, mỏ vật liệu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ về vấn đề rừng.

Bộ Giao thông Vận tải, bộ, ngành, địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát để các đơn vị làm đúng quy định pháp luật, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

 

Nhiều dự án giao thông trọng điểm gặp khó

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, ba dự án cao tốc Bắc Nam gồm quốc lộ 45 – Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghi Sơn – Diễn Châu (Thanh Hóa, Nghệ An) dự kiến thông xe vào tháng 9 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ thông xe vào cuối năm. Tuy nhiên, thời tiết bắt đầu vào mùa mưa gây bất lợi cho thi công lớp mặt bêtông nhựa. Một số đoạn nền đất yếu cần rà soát, theo dõi trước khi thi công các lớp móng, mặt đường.

12 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 qua nhiều địa phương vẫn bị “nghẽn” mặt bằng. Chính phủ yêu cầu công tác giải phóng mặt bằng 12 dự án cao tốc phải hoàn thành trong quý II năm nay, song đến 10/8 các địa phương mới bàn giao được 89% khối lượng (tăng 2% so với tháng trước), tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công là 80%. Việc xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đường điện cao thế còn chậm.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án cao tốc Bắc Nam chưa được các địa phương thực hiện.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại cuộc họp chiều 10/8. Ảnh: Nhật Bắc

Các dự án cao tốc Bắc Nam còn thiếu vật liệu xây dựng do việc khai thác mỏ bị chậm. Đến tháng 7, các địa phương mới xác nhận bản đăng ký của 42 trong số 69 mỏ được nhà thầu trình. Trong 42 mỏ đã được xác nhận đăng ký, các nhà thầu mới khai thác được 15 mỏ.

Vướng mắc tập trung nhiều ở các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh An Giang đã quyết định bố trí 1,1 triệu m3 cát cho dự án Cần Thơ – Cà Mau từ 4 mỏ đang khai thác, nhưng đến nay các nhà thầu mới ký hợp đồng được 2 mỏ. Với hai mỏ đã ký hợp đồng, từ cuối tháng 7 đến nay đã tạm dừng hoạt động, do một mỏ tỉnh thu hồi giấy phép, một mỏ doanh nghiệp khai thác bị khởi tố, điều tra, trong khi nhà thầu đã tạm ứng hợp đồng 18,6 tỷ đồng.

Tỉnh Vĩnh Long cần bố trí 5 mỏ để đáp ứng trữ lượng 5 triệu m3 phục vụ dự án, hiện mới giao 2 mỏ cho nhà thầu nhưng chưa hoàn thành thủ tục để khai thác.

Tỉnh Đồng Tháp dự kiến tăng công suất mỏ đang khai thác để tiếp tục bố trí cho dự án 0,5 triệu m3 nhưng đến nay chưa hoàn thành thủ tục. Với 6 mỏ đã cấp cho các nhà thầu, việc triển khai các thủ tục chưa hoàn thành nên chưa thể khai thác.

Nhà thầu tổ chức thi công trên cao tốc quốc lộ 45 – Nghi Sơn. Ảnh: Anh Duy

Mặc dù nguồn vật liệu chưa đủ, các nhà thầu tranh thủ thi công hạng mục không phụ thuộc vào nguồn vật liệu đất đắp như làm cầu, hầm, công trình, các vị trí đào. Đến nay, các dự án cao tốc đạt khối lượng 7.297 tỷ đồng trong 100.501 tỷ đồng (đạt 7,3% giá trị hợp đồng), tăng 2,3% so với tháng trước. Các địa phương bắt đầu vào mùa mưa bão nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ.

Các dự án vành đai 3 TP HCM và dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu mới được khởi công cuối tháng 6 cũng chưa xác định đủ nguồn vật liệu đắp. Chi phí giải phóng mặt bằng tại dự án này cũng tăng cao dẫn đến vượt tổng mức đầu tư, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang và TP Cần Thơ chưa triển khai các thủ tục để khai thác mỏ tại An Giang.

Dự án sân bay quốc tế Long Thành chậm tiến độ do việc đấu thầu gói thầu nhà ga sân bay Long Thành bị chậm. Chủ đầu tư đã đề xuất hoàn thành nhà ga hành khách vào năm 2026 thay vì 2025, thời gian hoàn thành được đề xuất trong 39 tháng thay vì 36 tháng. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – chủ đầu tư đang đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của gói thầu nhà ga hành khách, dự kiến chấm thầu và ký kết hợp đồng trong tháng 8.

Nguồn: https://vnexpress.net/thu-tuong-khong-ban-lui-du-an-giao-thong-4640387.html

Trả lời

0912 4444 18